Mỗi độ xuân về, hình ảnh chiếc Bánh Thuẫn vàng ươm, bung xòe 5 cánh luôn khiến những người con của dải đất Miền Trung phải nôn nao nhớ quê, “thèm” Tết. Không chỉ có hương vị thơm ngon đặc trưng, loại bánh này còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Và hôm nay, hãy vào bếp cùng chúng tôi để làm ra món ăn độc đáo này nhé!
Giới thiệu về Bánh Thuẫn
Bánh Thuẫn từ lâu đã trở thành một dạng đặc sản truyền thống của người dân Miền Trung, thường dùng để đãi khách trong những dịp lễ, Tết quan trọng. Điểm độc đáo của món bánh nướng này nằm ở phần 5 cánh hoa bung nở khoe sắc, tượng trưng cho sự sung túc, sung vầy. Do đó, nếu có dịp đi đến các tỉnh Miền Trung vào những ngày Tết, bạn sẽ thấy hình ảnh chiếc bánh nhỏ xinh xuất hiện khắp các phố phường cùng với hương thơm làm xao xuyến những vị khác phương xa.
Nguyên liệu
Để tạo ra một mẻ Bánh Thuẫn nướng chất lượng, ngon chuẩn vị, mọi người cần phải mua, cân và sử dụng đúng liều lượng của các nguyên liệu. Với công thức này, bạn sẽ có được khoảng 30 cái bánh.
- Bột bình tinh: 840 gram
- Trứng gà: 600 gram
- Nước ép thơm (dứa): 30 ml
- Vani: 1.2 ống
- Đường: 600gram
- Dầu ăn: 120ml
Lưu ý: Nếu muốn nướng nhiều hơn, hãy tăng mức nguyên liệu theo tỷ lệ cân đối, tránh tình trạng chỉ thêm bột. Vì điều đó sẽ khiến bánh bị khô, cứng và không bung nở như ý muốn.
Quy trình làm bánh
Với hương vị đặc trưng, Bánh Thuẫn luôn khiến cho những thực khách từng thử nó một lần khó thể nào quên được. Tuy nhiên, món ăn vặt này lại vô cùng dễ làm. Cụ thể như sau:
Bước 1: Tạo bột bánh
Sử dụng máy xay hoặc cối để giã nhuyễn bột bình tinh, sau đó cho vani vào và trộn đều. Đổ hỗn hợp vừa có được qua rây lọc để thu được phần bột mịn.
Cho tất cả số trứng đã chuẩn bị vào trong tô hoặc thau và đánh đều. Bỏ đường vào trứng và tiếp tục đánh đến khi đường tan hẳn.
Đổ từ từ hỗn hợp bột đã trộn vào, đồng thời khuấy liên tục theo 1 chiều nhất định trong khoảng từ 25 đến 30 phút. Dùng màng bọc thực phẩm hoặc khăn ẩm để che đậy phần bột bánh và tiến hành ủ khoảng 1 – 2 tiếng ở nhiệt độ thường. Kết thúc thời gian ủ, bạn hãy cho nước ép thơm vào bột và đánh thêm 15 phút nữa là hoàn tất.
Bước 2: Làm nóng khuôn
Đập than thành những phần nhỏ vừa phải, sau đó nung cho đến khi cháy đỏ. Lưu ý: Tán đều bề mặt, tránh tình trạng nhiệt chỉ tập trung ở một chỗ. Đặt khuôn Bánh Thuẫn lên lò và lấy một phần than để trên nắp khuôn trong khoảng 3 phút nhằm mục đích làm nóng cả 2 mặt.
Bước 3: Nướng bánh
Quét một lượng nhỏ dầu ăn vào khuôn, sau đó đổ đầy bột vào những ô nhỏ và đậy nắp lại để nướng trong khoảng 4 đến 5 phút. Nhớ gắp than bỏ lên nắp khuôn để bánh chín đều. Khi lấy bánh ra, hãy dùng các vật nhọn hoặc nữa để tránh tình trạng bị bỏng.
Bánh Thuẫn đạt chất lượng sẽ có độ mềm xốp vừa phải, vị ngọt nhẹ, thơm béo hương vani và trứng với phần cánh hoa bung nở đặc trưng.
Mẹo nhỏ:
- Bạn nên để bột trong túi vắt kem để quá trình đổ bánh được thiện tiện và vệ sinh hơn.
- Để biết bánh đã chín chưa, hãy dùng tăm chọc vào phần giữa, nếu không dính bột có nghĩa là thời gian nướng đã đủ.
Cách bảo quản bánh
Thông thường, bánh có thể giữ được độ giòn tan trong khoảng từ 1 đến 2 tuần. Do đó, mọi người nên ăn sớm, tránh việc để quá lâu sẽ làm mất đi chất lượng vốn có. Ngoài ra, sau khi nướng xong, các bạn nên thực hiện các hoạt động sau nhằm giúp quá trình bảo quản bánh hiệu quả:
- Nên hông bánh cạnh lửa nhỏ hoặc than nóng để cho phần vỏ trở nên giòn hơn và hạn chế được việc bị mốc.
- Xếp bánh có trật tự, tránh việc chất chồng lên nhau vì sẽ gây nên tình trạng bể, vỡ vỏ bánh.
- Bảo quản Bánh Thuẫn trong hộp kín ở nơi khô thoáng.
Trên đây là toàn bộ công thức và quy trình làm bánh thuẫn tiêu chuẩn mà chúng tôi muốn giới thiệu đến toàn thể các bạn. Còn đợi chờ gì nữa, hãy xắn tay áo lên làm ngay một mẻ bánh siêu thơm ngon để chiêu đãi gia đình và những người thân yêu nào!
Comment closed!